Giải đáp một số thắc mắc liên quan chiều cao
Giải đáp một số thắc mắc liên quan chiều cao
- Anh em sinh đôi có khi nào có chiều cao khác nhau không?
- Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiết nội tiết tố tăng trưởng chiều cao ?
- Vì sao trẻ béo phì thường khó phát triển chiều cao so với trẻ bình thường?
- Vì sao không nên uống viên uống bổ sung Canxi chung với sữa?
- Muốn Canxi được giữ trong xương cần vận động có đúng không? Vì sao?
- Thừa đồng có ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao hay không?
Anh em sinh đôi có khi nào có chiều cao khác nhau không?
Chiều cao của mỗi người thường bị tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng chiều cao và thể chất chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ dinh dưỡng – quyết định 32% sự phát triển. Ngoài ra chế độ vận động, thể dục, thể thao chiếm 20% và yếu tố di truyền chỉ đóng góp 23%. Còn lại là các yếu tố của môi trường sống, bệnh mắc phải, chế độ nghỉ ngơi… Như vậy, nếu là anh em sinh đôi khác trứng thì đã có sự khác nhau về gen nên chiều cao có thể khác nhau là điều dễ hiểu. Cho dù là sinh đôi cùng trứng – có yếu tố di truyền tương đồng nhau nhưng hoàn toàn có thể phát triển chiều cao khác nhau nếu chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, môi trường sống hoặc các yếu tố tác động khác nhau.
Anh em sinh đôi có thể có chiều cao khác nhau
Một trường hợp minh chứng cho điều này đã được ghi nhận. Hussain Bisad ở Anh cao 2m36, trong khi chị của ông là Khardra sống tại quê nhà ở Somalia chỉ cao có 1m65. Hai người cách nhau những hơn 71 cm và họ đang giữ kỷ lục là cặp sinh đôi có chiều cao cách xa nhau nhất.
Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiết nội tiết tố tăng trưởng chiều cao ?
Quá trình tiết nội tiết tố sinh trưởng GH chịu ảnh hưởng bởi GHRH và GHIH do vùng dưới đồi tiết ra và vận chuyển xuống tuyến yên. GHRH do nhân bụng giữa của vùng dưới đồi tiết ra, trong khi qua GHIH được điều khiển tại vùng lân cận với nhân này (cũng nằm ở vùng dưới đồi). Nhân bụng giữa cũng khá nhạy cảm với tình trạng hạ đường huyết và gây cảm giác đói. Vì vậy, có lý do để cho rằng một số tín hiệu về dinh dưỡng, thay đổi cảm giác thèm ăn, stress có mối quan hệ với sự tiết GH như: Tình trạng đói, hạ đường huyết, nồng độ axit béo trong máu quá thấp, vận động, bị kích thích, quá xúc động, hay cơ thể bị tổn thương hoặc chấn thương... Thực nghiệm cũng chỉ ra rằng các hệ thống khác nhau của vùng dưới đồi khi tiết ra Cholamine, Dopamine, Serotonin cũng có thể làm tăng tiết GH. GH cũng có thể được tăng tiết trong hai giờ đầu của giấc ngủ sâu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng protein có quan hệ mật thiết với GH. Giảm protein trong tế bào một cách từ từ có quan hệ chặt chẽ hơn so với sự thay đổi nồng độ glucose. Nồng độ trung bình của GH trong máu người trưởng thành khoảng 3 millimicrogam/ml và ở trẻ em là 5 millimicrogam/ml. Khi lượng protein hay carbonhydrate dự trữ cạn kiện, nồng độ này tăng rất cao và có thể tới mức 50 millimicrogram/ml. Nếu tiêm một số amino acid như Arginine cũng có thể làm tăng tiết GH.
Vì sao trẻ béo phì thường khó phát triển chiều cao so với trẻ bình thường?
Trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến độ tuổi dậy thì, chiều cao có thể ngừng phát triển và trẻ lại có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.
Nguyên nhân đầu tiên là chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Bởi trẻ thừa cân thường có xu hướng thích thức ăn giàu đạm, nhiều chất béo như thức ăn nhanh và đồ ngọt. Các thực phẩm này chính là tác nhân gây cản trở quá trình hấp thụ Canxi, khiến cơ thể không đảm bảo đủ nhu cầu Canxi cần thiết cho quá trình phát triển xương và cao lên.
Trẻ béo phì khó phát triển chiều cao hơn trẻ bình thường
Cùng lúc đó tâm lý tuổi mới lớn, rất sợ béo, đặc biệt là đối với các bạn nữ nên các em sẽ ăn uống kiêng kem để giảm cân nhanh. Điều này khiến các em mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thể lực và chiều cao sau này.
Nguyên nhân tiếp theo liên quan đến lối sống tĩnh tại. Với cơ thể nặng nề khi thừa cân, béo phì các bé trở nên chậm chạp, lười vận động. Từ đó, hạn chế sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể bao gồm cả chiều cao.
Mặt khác, khi trọng lượng cơ thể vượt mức chịu đựng của hệ cơ xương khớp còn non yếu càng khiến trẻ không dám vận động, ngồi lỳ một chỗ. Áp lực này cũng ngăn cản sự phát triển dài ra ở phần đầu sụn xương để tăng chiều cao.
Vì sao không nên uống viên uống bổ sung Canxi chung với sữa?
Nếu không phải chỉ định của Bác sĩ thì không nên uống chung Canxi với sữa, bởi các lý do sau đây:
-
Giới hạn dung nạp Canxi là 2.000mg – đây là liều lượng cao nhất bạn có thể uống mà không gây ra độc tính đối với cơ thể. Quá liều Canxi có thể làm tăng nguy cơ bệnh sỏi thận và cả ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, sữa vốn đã là một loại thực phẩm bổ sung giàu Canxi. Do đó, khi uống chung viên uống bổ sung Canxi cùng với sữa có thể gây ra tình trạng dư thừa Canxi – một trong những nguy cơ thường liên quan đến Canxi trong dạng bổ sung.
không nên uống viên uống bổ sung Canxi chung với sữa
-
Viên bổ sung Canxi ngoài thành phần chính là Canxi còn có các khoáng chất khác giúp hấp thụ Canxi hiệu quả nhất. Các loại sữa được bổ sung vitamin D có thể làm tăng khả năng hấp thụ Canxi, nhưng một số thành phần khác lại can thiệp vào khả năng hấp thụ các vitamin và khoáng chất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ Canxi. Đồng thời, ở mỗi thời điểm, lượng Canxi cơ thể có thể hấp thụ là 500mg. Do đó, để đảm bảo lượng Canxi của từng loại thực phẩm bổ sung được hấp thụ tối đa, bạn nên sử dụng viên uống Canxi với nước lọc và uống cách sữa khoảng 2 tiếng.
Muốn Canxi được giữ trong xương cần vận động có đúng không? Vì sao?
Vận động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe xương trong suốt cuộc đời, nó giúp tăng hoặc bảo vệ khối lượng xương, giảm nguy cơ té ngã. Tất cả các hoạt động thể chất đều giúp xương khỏe mạnh theo các cách khác nhau. Tiến sĩ Cedric Bryant, giám đốc khoa học của Hội đồng Mỹ về tập thể dục cho rằng “Vận động hàng ngày, đẩy sức ép lên xương sẽ giúp xây dựng mật độ xương, tạo ra các tế bào mới”.
Trẻ cần vận động thường xuyên mới có thể phát triển chiều cao tối đa
Bạn nên tập thói quen vận động cơ thể liên tục trong khoảng 30 phút mỗi ngày với những bài tập tăng chiều cao giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, tăng tính linh hoạt cho xương, giảm nguy cơ gãy xương như: Đi bộ nhanh, tập yoga, nhảy dây, bơi lội, đạp xe đạp…
Thừa đồng có ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao hay không?
Đồng là chất vi lượng có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa sắt và lipid, có tác dụng bảo trì cơ tim và duy trì tính toàn vẹn của hệ thống tim mạch. Bên cạnh đó, đồng cũng rất cần cho hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Đồng tham gia vào sự tổng hợp hemoglobin, góp phần bảo trì màng tế bào hồng cầu, góp phần tạo xương và biến năng cholesterol thành vô hại. Trong cơ thể người có khoảng từ 80 – 99,4 mg đồng ở cơ, da, tủy xương, xương, gan và não bộ. Trẻ em mới sinh có khoảng 15 – 17 mg đồng.
Tuy nhiên, vi lượng là các chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất ít. Khi lượng vi lượng trong cơ thể vượt mức cơ thể cần sẽ gây ra các hậu quả không mong muốn. Tiếp xúc lâu dài với đồng có thể gây khó chịu cho mắt, mũi, miệng, gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy. Uống nhiều đồng có thể gây tổn thương gan, thận, thậm chí tử vong.
Hiện các nghiên cứu trên thực vật như đậu Hà Lan, cà chua… cho thấy thừa đồng khiến các cây này chậm cao lớn và giảm năng suất. Các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra việc ăn phải lượng đồng cao có thể làm giảm sự phát triển chiều dài bào thai. Chúng ta hiện không biết liệu đồng có thể gây ra những dị tật bẩm sinh hay những ảnh hưởng phát triển khác ở người hay không. Nhưng như đã đề cập ở trên, thừa đồng cấp tính hay mạn tính đều đem lại những hậu quả không mong muốn. Do đó, đừng lạm dụng các chất vi lượng này nhé!
Theo BS. Phạm Minh Tiến
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh