Góc nhìn y học: Sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Ngày nay, sự bùng nổ công nghệ thông tin tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho mọi người có thể tham khảo kiến thức về tất cả các lĩnh vực khoa học, đời sống. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự nhiễu loạn thông tin, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Thực phẩm chức năng (TPCN) chính là một trong những sản phẩm bị nhiễu loạn thông tin nhiều nhất. Những tin tức giật gân như: TPCN lừa đảo, TPCN giả tràn lan khắp các mặt báo. Từ đó dẫn đến tâm lý e sợ TPBVSK, cho rằng TPBVSK chỉ là một sản phẩm “vô thưởng vô phạt” thậm chí là “một thứ thuốc xấu xa”.
Góc nhìn y học: Sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Tại sao lại có những thông tin như vậy, để hiểu rõ về điều này, chúng ta hãy lùi lại một chút, để nhìn nhận đúng hơn về thực phẩm bảo vệ sức khỏe dưới góc độ Y khoa. TPCN có thể được phân loại dựa vào công dụng: TPBVSK làm đẹp, tăng chiều cao, cải thiện sức khỏe… hoặc theo thành phần hóa dược. Đa số TPBVSK có thành phần là các vi chất dinh dưỡng: Canxi, sắt, kẽm, phốt pho, magie, các loại vitamin…. Riêng TPCN làm đẹp có thành phần chính là Collagen. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng chữa bệnh nên không thể gọi những sản phẩm này là thuốc.
Tên tiếng Anh của thực phẩm bảo vệ sức khỏe là “supplement”, có nghĩa là “sự bổ sung”. Tuy nhiên, “sự bổ sung” vẫn chưa đủ để biểu đạt hết công dụng của TPBVSK. Chúng ta cần hiểu rõ hơn, TPBVSK đúng nhất phải gọi là “Sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng”, hoặc “sản phẩm bổ sung Collagen”....
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Là những dưỡng chất chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng nếu thiếu sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bản thân cơ thể người lại không tự cảm nhận được sự thiếu hụt này, nên quá trình này còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn”. Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho sự phát triển toàn diện ở trẻ, giảm kết quả học tập ở trẻ em, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới (trên 50cm), nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt và dần bị trẻ em thế giới bỏ xa.
Chiều cao của trẻ em Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành hiện nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp ở châu Á và Thế Giới. Mặc dù các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em do Viện Dinh Dưỡng triển khai đã và đang đạt được những hiệu quả đáng kể trong nhiều thập kỉ. Nhưng các tiêu chí giúp hỗ trợ phát triển chiều cao ở hầu hết các vùng miền của nước ta vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn như: Đảm bảo đủ dinh dưỡng, không thiếu ăn, không thiếu vi chất, môi trường sống trong sạch không nhiễm khuẩn, bụi, hóa chất….
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2016, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Gần 1 triệu trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó tại Mỹ, dù điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, vẫn có hơn 1/3 số trẻ em dùng TPCN để tăng chiều cao, cải thiện sức khỏe. Trước tình trạng này, Viện dinh dưỡng đã đưa ra thông điệp hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng 2016: “Hãy sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hàng ngày” với mục tiêu cải thiện chiều cao và sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng thế nào là đúng?
Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể. Vì vậy, ngăn ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng, nhất là trẻ em là điều vô cùng quan trọng.
Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, phát triển chiều cao tối đa. Do đó, có rất nhiều bà mẹ lạm dụng các loại thuốc có tác động đến việc phát triển xương như: Vitamin D, Canxi… với mong muốn con mình sẽ cao hơn, khỏe đẹp hơn. Mà không biết rằng, nếu sử dụng quá nhiều thì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như quá trình tăng trưởng chiều cao tự nhiên của trẻ.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng cần được tiến hành dưới sự theo dõi của các chuyên gia.
Người lớn, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên cũng cần bổ sung Canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày để ngăn ngừa loãng xương. Việc bổ sung Vitamin D, Canxi dưới dạng thuốc cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu bổ sung Canxi không đúng cách có thể gây các biến chứng nhẹ như: Ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, đau cơ, đau xương. Nghiêm trọng hơn, lượng Canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ lại, gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, photpho, tăng Canxi trong máu…. Việc thừa vitamin D không xảy ra nhiều, chỉ một số trường hợp sử dụng quá liều và liên tục thì có thể gây ngộ độc với các hiện tượng: Canxi trong máu cao gây ra ói mửa, kém ăn, ngừng lớn, đôi khi gây co giật khó thở….
Các nghiên cứu thực tiễn đã chứng minh rằng, kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của hệ xương ở trẻ nhỏ. Do đó, trẻ cần được bổ sung kẽm một cách đầy đủ và hợp lý để cơ thể phát triển chiều cao tối ưu. Việc bổ sung kẽm cần kết hợp với các chất dinh dưỡng khác nhằm phát huy tốt nhất tác động của kẽm và đáp ứng tình trạng thiếu đa chất kết hợp. Các chất có thể kết hợp bổ sung với kẽm là: Ca, Mg, vitamin A, D, C, vitamin nhóm B, đạm. Chỉ bổ sung kẽm mà thiếu quan tâm đến các dưỡng chất khác thì trẻ cũng không thể cải thiện chiều cao mà có thể dẫn đến thừa kẽm, ngộ độc, giảm khả năng miễn dịch.
Phân tích tới đây, có thể thấy rằng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe về bản chất là tốt, cần thiết trong điều kiện dinh dưỡng của Việt Nam. Do đó, mỗi phụ huynh hãy là một người tiêu dùng thông thái, lựa chọn được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín. Đồng thời sử dụng TPBVSK cần được tiến hành một cách khoa học, đúng liều lượng dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng.
Theo BS. Phạm Minh Tiến
Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM