TVBUY Vietnam

Nguyên nhân gây BÉO PHÌ & 10 tác hại khôn lường với sức khỏe

01/10/2015 | Lượt xem : 514  

Béo phì giờ đây đã trở thành một căn bệnh chứ không đơn giản chỉ là thừa cân. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng béo phì làm tăng nguy cơ bệnh tật. Tác hại béo phì khiến cơ thể chịu nhiều thương tổn, có thể nguy hiểm tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu về béo phì và kịp thời có cách điều trị nhé.

béo phì

Béo phì là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều trẻ em và thanh thiếu niên

Béo phì là hiện tượng phổ biến từ xưa đến nay, không dừng lại ở biểu hiện vóc dáng mà còn gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Tăng cân, béo phì cản trở quá trình phát triển chiều cao của trẻ, ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng toàn diện của cơ thể.

Béo phì là gì?

Béo phì được xác định dựa vào chỉ số BMI của mỗi người, kết quả này ước tính lượng mỡ thừa của cơ thể dựa vào chiều cao và cân nặng hiện tại. Một người béo phì thường có chỉ số BMI trên 30, cụ thể việc phân loại béo phì dựa vào BMI như sau:

  • Dưới 18,5: Thiếu cân

  • 18,5 - 25: Bình thường

  • 25 - 30: Thừa cân

  • 30 - 35: Béo phì hạng 1

  • 35 - 40: Béo phì hạng 2

  • Trên 40: Béo phì nghiêm trọng

Tuy nhiên, chỉ số BMI không phải là tất cả để chẩn đoán tình trạng béo phì. BMI không đo được lượng mỡ thừa, xương hay cơ cũng như sự phân bổ chất béo ở các bộ phận trên cơ thể. Bạn có thể thực hiện thêm một số loại xét nghiệm để xác định béo phì chính xác hơn.

Nguyên nhân gây béo phì

Ăn nhiều calo hơn lượng calo bạn đốt cháy trong hoạt động hàng ngày và tập thể dục theo thời gian có thể dẫn đến béo phì. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân gây ra béo phì mà bạn không thể kiểm soát được như:

  • Di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý thức ăn thành năng lượng và cách chất béo được lưu trữ.

  • Cơ thể có khối lượng cơ ít và tốc độ trao đổi chất chậm khiến bạn dễ tăng cân.

  • Giấc ngủ không đảm bảo về chất và lượng cũng dẫn đến thay đổi nội tiết tố khiến bạn cảm thấy đói hơn và thèm ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao.

  • Đối với phụ nữ mang thai, cân nặng tăng trong thời kỳ mang thai khó giảm và cuối cùng dẫn đến béo phì.

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) , một tình trạng gây mất cân bằng hormone sinh sản nữ.

  • Hội chứng Prader-Willi, một tình trạng hiếm gặp khi sinh ra gây đói quá mức.

  • Hội chứng Cushing, một tình trạng gây ra bởi nồng độ cortisol cao (hormone căng thẳng).

  • Suy giáp (tuyến giáp kém hoạt động), một tình trạng trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormone quan trọng.

  • Viêm xương khớp và các tình trạng khác ở cơ quan này gây đau có thể dẫn đến giảm hoạt động trao đổi chất, gây tích tụ mỡ.

  • Trầm cảm đôi khi có thể dẫn đến tăng cân vì một số người chuyển sang ăn uống để thoải mái tinh thần. Một số loại thuốc chống trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ tăng cân.

Chẩn đoán béo phì như thế nào?

BMI là cách đơn giản nhất để xác định bạn có béo phì hay không, chỉ cần có chiều cao và cân nặng chính xác và tính theo công thức: BMI = Cân nặng (kg) / Chiều cao x chiều cao (m). Các biện pháp chính xác hơn về lượng mỡ trong cơ thể và sự phân bố mỡ trong cơ thể bao gồm:

  • Kiểm tra độ dày nếp gấp

  • So sánh giữa eo và hông

  • Các xét nghiệm sàng lọc, chẳng hạn như siêu âm, chụp CT và quét MRI

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán các nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol và glucose

  • Xét nghiệm chức năng gan

  • Tầm soát bệnh tiểu đường

  • Xét nghiệm tuyến giáp

  • Kiểm tra tim, chẳng hạn như điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)

  • Đo lượng mỡ quanh eo.

Tác hại của béo phì

Những người béo phì dễ mắc các bệnh liên quan đến huyết áp

Những người béo phì dễ mắc các bệnh liên quan đến huyết áp

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể trên cơ cao sẽ gây căng thẳng cho xương cũng như các cơ quan nội tạng của bạn. Cụ thể, béo phì có thể gây ra những tác hại sức khỏe như: 

Tăng nguy cơ tiểu đường

Một trong những hệ lụy của béo phì, thừa cân chính là bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng hormone tuyến tụy để làm giảm đường huyết ở người béo phì thấp hơn người bình thường và đó chính là nguyên nhân tại sao người bị tiểu đường phần lớn là người béo phì.

Tăng huyết áp

Huyết áp ở những người béo phì rất dễ tăng, nếu đột ngột tăng hàm lượng cholesterol sẽ rất nguy hiểm. Huyết áp không ổn định khiến cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ gây ra các bệnh về thần kinh.

Các bệnh về tim

Mỡ bọc lấy tim là tình trạng rất dễ xảy ra ở những người béo phì ở cấp độ cao, dẫn đến tim khó co bóp. Mỡ cũng làm hẹp mạch vành, cản trở lượng máu vận chuyển đến nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.

Rối loạn lipid máu

Béo phì làm tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, làm giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Người béo bụng dễ bị rối loạn lipid máu gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tăng khả năng đột quỵ

Khả năng dẫn đến đột quỵ ở người béo phì cũng cao hơn nhiều lần người bình thường. Người có BMI lớn hơn 30 dễ bị tử vong do bệnh tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch. Những người béo phì mức độ thấp cũng phải cẩn trọng nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (tiểu đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thì nguy cơ đột quỵ vẫn có thể xảy ra.

Các bệnh về đường tiêu hoá

Người béo phì dễ bị bệnh túi mật, có bất thường về gan, suy giảm chức năng gan, tăng khả năng gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm (gây đầy hơi, táo bón). Hệ mạch ở ruột của người béo phì bị cản trở, gây trĩ. Tóm lại, khi bạn béo phì thì chức năng hệ tiêu hóa sẽ giảm đi đáng kể.

Tăng nguy cơ ung thư

Nam giới béo phì dễ dẫn đến ung thư đại trực tràng, còn nữ giới dễ bị ung thư đường mật, vú, tử cung, buồng trứng. Cách tốt nhất để hạn chế khả năng ung thư là duy trì cân nặng ở mức hợp lý và ăn uống khoa học. 

Tăng viêm xương khớp

Những người béo phì có tình trạng khung xương phải chịu áp lực quá tải, một sức nặng quá lớn của khối lượng cơ thể dễ dẫn đến đau nhức hay giảm chất lượng xương. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, khi BMI tăng, lượng axit uric huyết thanh cũng tăng theo. Lượng axit uric ở người béo phì tăng, dễ gây bệnh gout. 

Giảm khả năng sinh sản

Ngoài tăng nguy cơ mắc những bệnh nguy hiểm trên thì béo phì còn có làm giảm khả năng sinh sản. Do mô mỡ làm rối loạn buồng trứng, hàng tháng trứng không lớn lên và chín rụng được, cũng như chất lượng trứng kém, hay rối loạn kinh nguyệt. 

Nếu lượng mỡ quá nhiều, buồng trứng có thể bị lấp kín và gây vô sinh. Đặc biệt, hiện tượng béo phì dễ gây hội chứng đa u nang, rất khó thụ tinh, hoặc mang thai thì cũng rất dễ sảy thai.

Giảm chức năng hô hấp

Béo phì dẫn đến lượng mỡ tích tụ nhiều ở cơ hoành, làm cơ hoành kém đàn hồi và uyển chuyển. Đồng thời, sự thông khí giảm gây khó thở, não thiếu oxy để hoạt động, tạo hội chứng Pickwick (ngủ cách quãng suốt ngày đêm, lúc ngủ lúc tỉnh). Những người béo phì ở cấp độ cao hay béo bụng và có cổ quá bự dễ dẫn đến tình trạng ngừng thở  khi ngủ hay quên hô hấp rất nguy hiểm.

Phòng tránh và điều trị béo phì cho trẻ như thế nào?

cách phòng ngừa béo phì

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp trẻ duy trì cân nặng ở mức hợp lý

Béo phì ở trẻ em là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn cản trở phát triển trí não. Trẻ em béo phì dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti do bị bạn bè trêu chọc. Để trẻ hạn chế được béo phì, cha mẹ cần áp dụng cho con thói quen sống lành mạnh:

Ăn uống khoa học

Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ béo phì là vô cùng cần thiết. Thói quen này ảnh hưởng rất lớn từ cách định hình của cha mẹ bởi hầu hết trẻ em ăn những gì cha mẹ mua. Hãy tập trung bữa ăn và đồ ăn nhẹ của bạn bằng thực phẩm tươi sống thay vì đồ chế biến sẵn.

Bắt đầu cuộc đại tu dinh dưỡng của bạn bằng cách hạn chế đồ ngọt trong nhà. Ngay cả đồ uống được làm từ 100% nước trái cây cũng có thể chứa nhiều calo. Hãy giảm tiêu thụ thức ăn nhanh, chuẩn bị bữa ăn lành mạnh, đủ chất.

Một số loại thực phẩm nên có trong thực đơn giảm cân, chống béo phì:

  • Trái cây tươi và rau quả

  • Thịt nạc, chẳng hạn như thịt gà và cá

  • Ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, mì ống làm từ lúa mì nguyên hạt và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt)

  • Các sản phẩm từ sữa ít béo, bao gồm sữa tách béo, sữa chua nguyên chất ít béo và pho mát ít béo

  • Giảm bớt các loại mỡ, tăng cường chất xơ

  • Nước lọc

Cha mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có cách sắp xếp thực đơn phù hợp.

Tăng cường hoạt động thể chất

Thói quen vận động thường xuyên là cách tốt nhất để giảm cân. 45 - 60 phút tập luyện mỗi ngày là thời gian lý tưởng để quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, tránh tích tụ gây béo phì. Việc tập thể dục, thể thao còn giúp bạn cải thiện vóc dáng, phát triển chiều cao tốt hơn. 

Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử

Việc sử dụng máy tính, điện thoại khiến cơ thể thụ động, trẻ thiếu hoạt động thực tế. Đây là tình trạng phổ biến của trẻ em thời hiện đại, vô tình cản trở khả năng phát triển thể chất toàn diện của trẻ. Những trẻ có thói quen xem điện thoại, máy tính quá nhiều đồng nghĩa với lười vận động dẫn tới béo phì, chậm phát triển trí não, nặng hơn có thể trầm cảm. Cha mẹ cần tránh để trẻ lạm dụng vào thiết bị điện tử để hạn chế nguy cơ béo phì.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc

Giấc ngủ rất quan trọng với quá trình phát triển thể chất, đây là thời điểm cơ thể tiến hành trao đổi chất, loại bỏ độc tố. Giấc ngủ không đảm bảo là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tích tụ chất dư thừa, tạo điều kiện để tăng cân diễn ra, nặng hơn là béo phì. 

Do đó, hãy tập cho trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc ngay từ sớm. Trẻ cần đi ngủ trước 22h để đạt trạng thái sâu giấc lúc 23h - 1h. 8 tiếng/ngày (bao gồm 15 - 30 phút nghỉ trưa) là thời gian tối thiểu để ngủ. Trẻ không nên ăn quá no hoặc sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ để tránh khó ngủ. 

Béo phì không còn là một hiện tượng của cơ thể mà là một căn bệnh nguy hiểm, kéo theo nhiều bệnh tật. Tác hại béo phì khiến sức khỏe người bị ảnh hưởng tiêu cực. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên còn trong độ tuổi phát triển, béo phì còn cản trở khả năng tăng trưởng chiều cao. Do đó, hãy có chiến lược giảm cân thật thông minh để nhanh chóng lấy lại được một cơ thể cân đối và khỏe mạnh.

Blog sức khỏe
Đẳng cấp của
sự khác biệt
chung-nhan-csi-small
Tháng 11/2017, TVBUY vinh dự được cấp chứng nhận CSI - “Doanh nghiệp xuất sắc” được nhiều khách hàng hài lòng trong lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng. Đây là phần thưởng xứng đáng khẳng định những nỗ lực, phấn đấu và cải tiến không ngừng nghỉ trong quá trình thành lập và phát triển của TVBUY.
Với phương châm hoạt động “Vì sức khỏe vàng của người Việt”, TVBUY cam kết mang đến những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tốt nhất cho người tiêu dùng. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm đều có xuất xứ từ những tập đoàn danh tiếng, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn Quốc Tế như cGMP.
Tất cả các sản phẩm của TVBUY đều được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép lưu hành tự do tại Mỹ, được Cơ quan Quản lý Nhà nước tại Việt Nam cấp giấy xác nhận công bố lưu hành trên toàn quốc.
up